Theo dõi người yêu cũ

11/03/2023 20:02

Alice, 24 tuổi, ở London tạo một tài khoản mạng xã hội, chia sẻ bài viết về bóng đá giả làm người khác để theo dõi cuộc sống của bạn trai cũ.

Cô gái miêu tả cảm giác thoải mái vì có thể biết bạn trai cũ và nhóm bạn của anh ta đang làm gì. Không chỉ Alice, nhiều bạn cô cũng làm điều tương tự. "Hai người bạn cùng phòng của tôi đều có tài khoản giả để theo dõi người yêu cũ và điều đó khá thú vị", Alice cười.

Việc lập thêm tài khoản giả không gây khó khăn với người dùng trong thời đại công nghệ. Instagram không công bố số liệu thống kê về số lượng tài khoản tối đa một người được sở hữu. Nhưng hiện những người như Alice có thể lập được 5 tài khoản trên mỗi thiết bị. Twitter, Facebook cũng cho phép người dùng thêm và quản lý tối đa 5 tài khoản.

Nhà trị liệu tâm lý Anna Jackson nói rằng ngày càng nhiều khách hàng 18-30 tuổi thú nhận tự tạo tài khoản giả để theo dõi bạn trai/ bạn gái cũ.

Jackson nói rằng việc kiểm tra người yêu cũ vì tò mò là điều hoàn toàn bình thường. "Hành động này được ví như làm điều gì đó sai trái nhưng không hẳn là phạm tội, chẳng hạn như cố tình đi trên cỏ dù nhìn thấy biển cấm bởi đó là bản chất của con người", nhà tâm lý giải thích.

Tuy nhiên, bà cũng cảnh báo việc không ngừng lén lút theo dõi người yêu cũ có thể tạo thói quan không lành mạnh. Dấu hiệu của việc còn vương vấn mối quan hệ cũ và khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng này kéo dài khiến nhiều người không thể bắt đầu mối quan hệ mới.

Nhiều người trẻ thừa nhận vẫn theo dõi người cũ qua mạng xã hội thông qua tài khoản giả mạo. Ảnh minh họa: More

Nhiều người trẻ thừa nhận vẫn theo dõi người cũ qua mạng xã hội thông qua tài khoản giả mạo. Ảnh minh họa: More

Đàn ông hay phụ nữ đều có thể sử dụng tài khoản giả mạo nhằm theo dõi trang cá nhân của người yêu cũ hoặc làm những điều tương tự.

Như Michael, anh đã lập một tài khoản "Instagram giả mạo" để chia sẻ những điều không dám nói trên ra cá nhân một cách không có giới hạn.

"Tôi còn sử dụng tài khoản ẩn danh này để kiểm tra story của ai đó mà không muốn lộ mặt. Đồng thời cũng muốn xem có ai chặn mình hay không", anh nói.

Nhà trị liệu tâm lý Lisa Lawless nói rằng giám sát trực tuyến đã trở nên phổ biến trong giới trẻ. Đặc biệt, việc theo dõi người khác rất hấp dẫn. Một số người làm điều đó như cách khép lại sau chia tay, giải tỏa sự tò mò, trong khi những người khác lại muốn níu kéo mối quan hệ.

Đồng tình với nhà trị liệu Jackson, bà Lawless cho rằng hành vi này không phải là cách tốt nhất để kết thúc mối quan hệ. Chuyên gia cảnh báo việc đeo bám người yêu cũ trên mạng xã hội có thể dẫn đến cảm giác ám ảnh, ghen tị thậm chí là trầm cảm kéo dài.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc phục hồi sau chia tay có thể bị ảnh hưởng nếu vẫn duy trì kết nối với người yêu cũ trên mạng xã hội. Đáng chú ý, hành động này có thể làm tăng cảm xúc tiêu cực và dẫn đến việc đau khổ hơn khi chia tay.

Wendy Brown, nhà trị liệu ở Ontario (Mỹ) gợi ý hủy theo dõi người yêu cũ trên mạng xã hội là bước đầu để lấy lại quyền kiểm soát của bản thân. "Bạn hoàn toàn có thể kết thúc cảm giác tiêu cực này bằng cách nhấn nút hủy theo dõi. Sau đó tập trung vào việc chữa lành, phát triển bản thân thay vì trở thành kẻ theo dõi", chuyên gia nói.

Cả Alice và Michael đều nhận thức được hành vi của họ có thể bị coi là độc hại. Họ cũng hiểu nên chấm dứt việc rình mò người yêu cũ càng sớm càng tốt, dù biết rất khó.

"Tôi rất đau lòng và khó chịu khi phát hiện người yêu cũ có tình mới. Tôi đã cố xóa tài khoản giả nhiều lần nhưng không thể nhớ mật khẩu để kích hoạt. Điều này khiến tôi đăng nhập mỗi ngày như một thói xấu khó bỏ", cô gái 24 tuổi nói.

Minh Phương (Theo Independent, More)

Bạn đang đọc bài viết "Theo dõi người yêu cũ" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com