Người nông dân hồi sinh vùng "đất khát”

02/04/2024 00:16

Sau bao ngày tháng trăn trở tìm cách thoát nghèo, anh Hmach làm nên kỳ tích, dẫn được nguồn nước từ đỉnh núi về tận chân ruộng, giúp hồi sinh vùng đất khó.

Dẫn nước về nơi khô cạn

Với người làng Hrach, xã Chư Krêy (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai), việc anh Đinh Hmach dẫn được nguồn nước ngọt mát lành từ đỉnh núi Bok Ưng về đến chân ruộng dường như là một kỳ tích.

Bởi từ ngày làng Hrach được thành lập, nơi đây là vùng đất khô hạn, cây trồng thiếu nước tưới khiến năng suất kém, cuộc sống nghèo đói bao trùm.

Thế nhưng, từ ngày anh Hmach làm nên kỳ tích, dẫn được nguồn nước từ đỉnh núi về phục vụ nước tưới cho cây trồng, cuộc sống của người dân khởi sắc, mùa màng bội thu, xoá được cái đói, giảm được cái nghèo.

Xuyên qua những cánh rừng đại ngàn, chúng tôi tìm đến làng Hrach, xã Chư Krêy. Trên con đường bê tông hoá dẫn vào làng đám trẻ con tíu tít nô đùa, nhà nhà lúa thóc đầy kho. Cuộc sống của người dân nay đã đổi thay.

Ngồi trước hiên nhà, đón nhận những luồng gió mát lành giữa trưa hè nắng nóng, bà Đinh Thị Biar, một bậc cao niên trong làng, kể cho chúng tôi nghe về những thăng trầm nơi đây.

Bà kể, làng Hrach nằm dưới chân núi Bok Ưng hùng vĩ. Năm 2000, làng được thành lập vọn vẹn chỉ với 35 hộ người Bahnar. Đời sống người dân gặp nhiều khó khăn vì đất đai cằn cỗi, khan hiếm nguồn nước.

Bà con làm nông nghiệp nhưng tất cả trông chờ “nước trời” và lấy nước từ dòng suối Đak Vệ ở cách làng hơn 2 cây số.

Dân sinh - Người nông dân hồi sinh vùng 'đất khát”

Nước từ đỉnh núi được anh Hmach đưa về tận chân ruộng khiến bà con rất phấn khởi.

“Vào mùa khô, suối Đak Vệ cạn trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ, cây lúa rẫy không thể vươn mình trổ bông. Dân số của làng ngày càng tăng trong khi cái nghèo, cái đói mãi đeo bám.

Thế nhưng cách đây, khoảng 3 năm về trước, Đinh Hmach làm nên điều mà người làng không tưởng, phải nói là kỳ tích khi đưa được nguồn nước về với buôn làng. Từ ngày có nguồn nước ngọt mát lành từ đỉnh núi cao đổ về, người làng không phải phụ thuộc vào tự nhiện nữa mà chủ động làm chủ mùa vụ. Cây trồng luôn có quỹ nước dự phòng để chống hạn nhờ vậy đạt năng xuất cao, cuộc sống của dân làng bắt đầu khấm khá hơn”, bà Biar phấn khởi nói.

Được sự chỉ dẫn của người làng, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ cuối làng của gia đình anh Hmach, người được ví như “người hùng” của buôn làng.

Trò chuyện với chúng tôi, anh Hmach người nông dân chân chất, dù đã ngoài 30 tuổi nhưng vẻ mặt đầy ngượng ngùng. Anh Hmach tâm sự: “Trước đây, người làng trồng trọt cây gì cũng vậy, đều phó mặc cho ông trời. Nếu mưa thuận, gió hoà, cây trồng phát triển tốt bà con cả năm có cái ăn không phải lo đói. Thế nhưng, đa phần khí hậu khắc nghiệt hạn hán kéo dài, vụ mùa của bà con nơi mình ở chưa một lần thấy hạt lúa đầy gùi”.

Dân sinh - Người nông dân hồi sinh vùng 'đất khát” (Hình 2).

Anh Hmach được người dân trong làng ví như "người hùng", làm nên điều kỳ tích giúp người dân có hướng mới trong sản xuất nông nghiệp.

“Trong suy nghĩ mình luôn ao ước, giá như làng mình làm được lúa nước thì sẽ đủ gạo ăn quanh năm. Vậy là mình băng rừng lội suối, tìm kiếm nguồn nước.

Khi lên đến đỉnh Bok Ưng, mình vỡ oà khi thấy nguồn nước ở đây chảy quanh năm, khoảng cách về làng không bao xa. Sau đó, mình về bàn với vợ bán con bò được 10 triệu đồng, cộng thêm 15 triệu đồng hai vợ chồng tích góp được sau nhiều năm làm thuê làm mướn mua đường ống dẫn dài gần 3km từ đỉnh núi rẽ dòng về tận chân ruộng”.

Hồi sinh vùng đất khó

Anh Hmach vui mừng: “Từ ngày có nước, thay vì trồng lúa rẫy như lâu nay, gia đình mình tiên phong trồng lúa nước. Có nguồn nước cung cấp đầy đủ, cây trồng cho năng suất cao, lúc đầu 2 sào rồi lên 4 sào và hiện tại nhà mình đã có 6 sào lúa nước. Thấy mô hình trồng lúa nước hiệu quả mang lại kinh tế cao người làng học và làm theo như gia đình mình cuộc sống dần khởi sắc”.

Khi hạt lúa đã đủ ăn quanh năm, gia đình anh Đinh Glit không khỏi vui mừng. Anh bày tỏ: “Tôi đã theo Hmach đưa nước vào ruộng để làm lúa nước. Đây là vụ thứ 2 gia đình tôi được mùa. Gia đình tôi sẽ cố gắng mở rộng diện tích lúa nước để nhanh chóng thoát nghèo”.

Ông Đinh Linh, Bí thư chi bộ làng Hrach cho biết, ban đầu nghe tin Hmach đã tìm ra nguồn nước mát từ đỉnh Bok Ưng và mày mò dẫn nước xuống chân núi cạnh làng chúng tôi chẳng tin.

Nhưng khi ra ruộng, thấy nước từ đỉnh núi theo đường ống chảy róc rách thì già trẻ, gái trai trong làng đều thán phục và òa lên vui sướng”.

Dân sinh - Người nông dân hồi sinh vùng 'đất khát” (Hình 3).

Nhờ có nguồn nước từ đỉnh núi về người dân chủ động canh tác.

Theo ông Linh, không để lãng phí nguồn nước này, anh Hmach hướng dẫn bà con đào đường mương dẫn nước về rẫy, ruộng lân cận để trồng thêm cây chuối, bắp.

Hiện, làng có 103 hộ canh tác khoảng 15ha ruộng lúa nước một vụ, năng suất đạt 50 tạ/ha.

“Nhiều hộ trong làng đã hưởng ứng, học theo anh Hmach áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế. Đời sống bà con đang dần khởi sắc. Năm 2023, làng còn 62 hộ nghèo. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con trồng lúa nước, phấn đấu làm lúa 2 vụ để cùng nhau thoát nghèo”, ông Linh thông tin.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Khương Đình Huy, nguyên Chủ tịch UBND xã Chư Krêy cho hay: “Ngày anh Đinh Hmach dẫn nước về, bà con làng Hrach rất phấn khởi. Nguồn nước mát này đã thay đổi đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo”.

Dân sinh - Người nông dân hồi sinh vùng 'đất khát” (Hình 4).

Nước được kéo về tận làng để phục vụ bà con.

Theo ông Huy, anh Hmach là một trong những người đi đầu trong thực hiện cuộc vận động “thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Chính quyền xã sẽ hỗ trợ về giống và kỹ thuật để mô hình trồng lúa nước của anh Hmach đạt hiệu quả cao, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Bạn đang đọc bài viết "Người nông dân hồi sinh vùng "đất khát”" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com