Số phận người mẹ 'vừa ôm con vừa gánh cả thế giới'

03/03/2024 20:03

Trung Quốc14 năm trước, bức ảnh người phụ nữ tay phải ôm đứa trẻ sơ sinh, tay trái xách balo, sau lưng cõng bao tải khổng lồ đã "gây bão'' trong cộng đồng.

Người phụ nữ đang vội vã bắt chuyến tàu ở ga Nam Xương, tỉnh Giang Tây về quê dịp Tết. Nhìn thấy cảnh tượng này, Chu Khả, phóng viên của Tân Hoa Xã đã rất kinh ngạc, vội chụp ngay và đặt tên cho bức ảnh là "Con, mẹ đưa con về nhà". Nhờ bức ảnh mà Chu đã đạt giải Vàng trong một cuộc thi về nhiếp ảnh.

Thời điểm đó, nhiều người Trung Quốc khi xem được bức ảnh này đã gọi người phụ nữ trong ảnh là "Người mẹ vừa ôm con vừa gánh cả thế giới".

Bức ảnh Con, mẹ đưa con về nhà của phóng viên Chu Khả chụp năm 2010 gây xúc động với người dân Trung Quốc. Ảnh: Xinhuanet

Bức ảnh "Con, mẹ đưa con về nhà" của phóng viên Chu Khả chụp năm 2010 gây xúc động với người dân Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trong nhiều năm, bức ảnh liên tục được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc mỗi khi Tết đến. Nhiều người đặt câu hỏi không biết người phụ nữ này là ai, hoàn cảnh như thế nào và đứa trẻ trên tay đã trưởng thành ra sao. Sau nhiều năm tìm kiếm, trước Tết Nguyên đán 2021, phóng viên Chu Khả mới gặp lại người phụ nữ này.

Tên của cô là Ba Mộc Ngọc Bố Mộc, người dân tộc Di sống ở huyện Việt Tây, thuộc Châu tự trị dân tộc Di Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Bức ảnh được chụp khi người mẹ 21 tuổi vừa kết thúc chuỗi ngày làm việc ở Nam Xương để bắt chuyến tàu về quê.

Ba Mộc nhớ rõ là sáng sớm hôm đó cô đưa con gái vài tháng tuổi đến ga Nam Xương rồi bắt chuyến tàu hai ngày một đêm đến Thành Đô. Tại đây cô chi 15 tệ để hai mẹ con qua đêm tại một nhà nghỉ, sau đó bắt tiếp chuyến tàu 14 tiếng đến huyện Việt Tây và trở về nhà khi trời đã khuya. Chuyến đi này, Ba Mộc mất ba ngày hai đêm. Hành lý người phụ nữ vác trên lưng gồm chăn bông, quần áo, mì ăn liền và tã lót cho con.

"Người đi đường thấy tôi vác hành lý cồng kềnh nên thương cảm, đã giúp đỡ rất nhiều", người mẹ nhớ lại.

Ba Mộc chưa từng đến trường, không biết chữ và cũng không biết nói tiếng phổ thông. Giống như nhiều phụ nữ dân tộc mình, lớn lên cô chỉ quẩn quanh với công việc cắt cỏ, chăn gia súc. 18 tuổi Ba Mộc lấy chồng, cũng là người nghèo trong thôn. Năm 21 tuổi, Ba Mộc đã có hai người con. Thời điểm này, vợ chồng cô quyết định rời núi tới thành phố làm việc.

Họ để con gái lớn ở nhà, mang theo con gái mới sinh đến thành phố. Hai vợ chồng sau đó tìm được công việc bốc vác tại một xưởng gạch ở Nam Xương, mỗi tháng kiếm được 500-600 tệ. Dù thu nhập không nhiều nhưng vẫn tốt hơn làm ruộng ở nhà.

Mỗi khi đi làm, Ba Mộc thường địu con trên lưng. Nắng mưa đều đi làm cùng mẹ nên cô bé đổ bệnh rồi ốm nặng. Không biết tiếng phổ thông, cũng không đủ tiền trả viện phí, Ba Mộc bàn với chồng đưa con về nhà trước, còn anh cố làm thêm vài ngày để có tiền tiêu Tết.

Thời điểm phóng viên Chu Khả chụp ảnh chính là lúc Ba Mộc đưa con gái thứ hai về nhà. Vì bệnh nặng, cô bé sau đó đã qua đời.

Cái chết của con gái trở thành cú sốc với người phụ nữ này. Cô luôn tự trách mình vì ham việc mà để con ốm, rồi chậm trễ chữa trị. Năm 2011, Ba Mộc sinh con thứ ba nhưng đứa bé cũng qua đời sau đó 10 ngày.

Hai con lần lượt qua đời khiến người mẹ trầm cảm, thường tự nhốt mình trong phòng vì cho rằng bị trời trừng phạt. Đã có thời điểm, Ba Mộc muốn được giải thoát nhưng nghĩ thương con gái lớn nên vực lại tinh thần. Để thoát khỏi sự ám ảnh bởi những đứa trẻ cũng như sự nghèo đói, cô bàn với chồng tiếp tục tìm đường ra thành phố làm việc.

"Dù nghèo khó hay bất hạnh, chúng ta vẫn phải dũng cảm tiến lên phía trước", Ba Mộc động viên chồng.

Thời điểm này, địa phương nơi họ ở phát động chương trình xóa đói giảm nghèo từ cây thuốc lá, cây ăn quả và một số cây trồng khác. Cán bộ tới từng nhà giải thích cho người dân hiểu cách kiếm tiền tại chính quê hương. Hai vợ chồng Ba Mộc vì thế hủy kế hoạch tới thành phố, lên ủy ban học kiến thức.

Trong năm đầu tiên vì chưa có kinh nghiệm nên họ chỉ kiếm được 5.000 tệ. Dẫu vậy đây vẫn là số tiền lớn với một gia đình quanh năm nghèo đói. Những năm tiếp theo, người phụ nữ này lần lượt sinh ba con, một trai, hai gái.

Năm 2018, được sự giúp đỡ của chính quyền cũng như từ tiền tiết kiệm, vợ chồng Ba Mộc xây được một ngôi nhà ba phòng ngủ. Gia đình cũng không phải lo chạy ăn từng bữa như trước.

Hai năm sau, thu nhập hàng năm của gia đình này đã đạt 100.000 tệ, diện tích trồng cây cũng tăng gấp ba. Để tăng thêm thu nhập, vợ chồng Ba Mộc tận dụng thời gian nông nhàn ra ngoài làm việc. Cuộc sống của họ vì thế được cải thiện đáng kể, con cái được đi học, không mù chữ như bố mẹ.

Phóng viên Chu Khả gặp lại gia đình Ba Mộc năm 2024. Ảnh: Xinhua

Phóng viên Chu Khả gặp lại gia đình Ba Mộc năm 2024. Ảnh: Xinhua

Năm 2021, lần đầu gặp phóng viên Chu Khả và kể câu chuyện đời mình, Ba Mộc khẳng định: "Theo thời gian, chúng ta tốt hơn mỗi ngày".

Trước Tết Nguyên đán 2024, phóng viên Chu Khả một lần nữa lại đến thăm gia đình Ba Mộc. Lúc này hai vợ chồng vừa trở về từ thành phố, sau một thời gian làm công nhân lắp ráp tại một nhà máy điện tử. Ba Mộc quyết định, lần này họ sẽ ở nhà để mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp.

"Tôi đã có ước mơ cho các con vào đại học, điều trước đây không bao giờ dám nghĩ tới", người mẹ bốn con nói.

Trang Vy (Theo Xinhua, sohu)

Bạn đang đọc bài viết "Số phận người mẹ 'vừa ôm con vừa gánh cả thế giới'" tại chuyên mục ĐỜI SỐNG. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com