'Thị trường trầm hương còn nhiều dư địa'

27/03/2023 08:30

Theo ông Trịnh Quý Trọng, Giám đốc Công ty Trầm hương Chiên Đàn, tỷ lệ xuất khẩu trầm hương Việt Nam còn khiêm tốn so với lợi thế về thổ nhưỡng, hiệu quả cây dó bầu, công nghệ cấy tạo.

- Cơ duyên nào đưa ông đến với trầm?

- Tôi từng có thời gian sinh sống, học tập và làm việc tại nhiều nơi trên thế giới như Ireland, Nhật Bản... Tại mỗi quốc gia, tôi dành nhiều thời gian đến chùa và tìm hiểu Phật pháp, dần dần bén duyên với hương thơm của trầm cũng như công dụng của trầm trong tâm linh, y học, và đời sống. Đặc biệt, tôi ấn tượng câu nói "trong đau thương dó biến thành trầm" - cây dó nếu không bị thương tổn chỉ là cây gỗ trắng, thậm chí không đóng được bàn ghế. Nhưng khi bị thương tổn sẽ trở thành loại gỗ giá trị bậc nhất, giống cuộc đời con người trải qua rèn luyện, sóng gió mới tỏa ra khí chất.

Ông Trịnh Quý Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Trầm hương Chiên Đàn. Ảnh: Trần Hóa

Ông Trịnh Quý Trọng, Giám đốc Công ty Cổ phần Trầm hương Chiên Đàn. Ảnh: Trần Hóa

Trở về nước, tôi tìm hiểu sâu hơn và nhận thấy trầm Việt Nam có chất lượng vượt trội so với nhiều nước trên thế giới. Thậm chí, Giáo sư Gishi Honda tại Đại học Tokyo, Nhật Bản từng nhận định giống cây dó bầu (Aquilaria Crassna) ở Việt Nam cho ra các sản phẩm trầm hương tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ khai thác trầm ở nước ta thấp, phương pháp tạo trầm chưa hiệu quả. Với mong muốn mang đến những sản phẩm trầm tự nhiên và sinh học tốt nhất của Việt Nam tới khách hàng toàn cầu, tôi quyết định thành lập công ty với thương hiệu Chiên Đàn.

- Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình gây dựng thương hiệu mà ông gặp phải là gì?

- Có trường phái cho rằng mọi công việc đều cần sự định trước. Ta có thể gọi đó là mối ràng buộc tự nhiên liên kết chặt chẽ giữa chúng ta và những gì chúng ta làm. Theo đó, cơ duyên "nuôi trồng" trầm hương đã đến với những người sáng lập công ty một cách bất ngờ.

Cuối năm 2019, tôi có dịp vào Nam công tác và tình cờ biết một nhà sư đang nghiên cứu công nghệ cấy men tạo trầm từ cây dó bầu. Vừa nghe tôi đã rất thích vì trước đó từng học và tìm hiểu đạo Phật, nhưng chưa hiểu sâu về cách tạo trầm. Nhà sư chia sẻ từng nghiên cứu và thử nghiệm nhiều phương pháp tạo trầm khác nhau. Tuy nhiên, phải đến công nghệ cấy men vi sinh lên thân cây mới đem lại hiệu quả vượt trội và được nhiều nơi trên thế giới công nhận về mùi hương, giá trị kinh tế. Năm 2020, tôi cùng một số anh em đã thành lập công ty, mục tiêu làm cầu nối cung cấp các sản phẩm trầm hương sạch, chất lượng cao đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới. Với tôi đó là thuận lợi đầu tiên.

Vườn dó bầu hơn 20 năm tuổi tại Tây Nguyên. Ảnh: Trần Hóa

Vườn dó bầu hơn 20 năm tuổi tại Tây Nguyên. Ảnh: Trần Hóa

Một điểm thuận lợi nữa trong quá trình gây dựng thương hiệu là may mắn biết tới vườn dó bầu hơn 20 năm tuổi tại Tây Nguyên, sau khi đi dọc khắp đất nước tìm kiếm vườn cây dó bầu phù hợp. Đây là vùng thổ nhưỡng cao, đất feralit phát triển trên phiến thạch kết hợp cùng nhiệt độ gió mùa nóng ẩm đặc trưng và lượng mưa ổn định. Nhờ đó, vườn cây hơn 2.000 gốc đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần thiết để phát triển tốt với tỷ lệ tạo trầm tự nhiên cao. Thậm chí, công nhân lâu năm tại vườn cho biết, trước đây phu trầm (người đi vào rừng tìm trầm) đã nhiều lần tìm thấy trầm hương và kỳ nam ở khu vực rừng tự nhiên xung quanh vườn.

Hiện các gốc dó bầu tại đây đều được cấy men vi sinh, đợt đầu tháng 10-12/2021; đợt hai tháng 7-11/2022. Mỗi cây được bơm men vi sinh vào 25-30 hộc (cắt) để tạo trầm. Dự kiến bắt đầu thu hoạch từ năm 2026.

Các gốc dó bầu được cấy men vi sinh hai đợt. Ảnh: Trần Hóa

Các gốc dó bầu được cấy men vi sinh hai đợt. Ảnh: Trần Hóa

- Nên duyên với một lĩnh vực khó, theo ông, trầm hương Việt đang ở đâu trên thị trường thế giới?

- Theo Businessinsider, năm 2020, thị trường trầm hương toàn cầu ước tính trị giá 32 tỷ USD. Đến cuối năm 2029, thị trường dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 64 tỷ USD. Theo báo cáo của Al Jazeera, có nhiều loại trầm hương khác nhau với các mức giá khác nhau. Trong đó, kỳ nam là loại đắt nhất, một gram có giá lên tới 10.000 USD. Tại Trung Quốc, năm 2014 kỳ nam được bán với giá 9 triệu USD một kg.

Thực tế, trầm hương là một trong những loại lâm sản có giá trị thương mại quốc tế lớn, khi có thể làm được dược liệu, hương liệu và thực phẩm quý. Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển trầm hương chất lượng cao và sản lượng lớn. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) từng chỉ ra, giống cây dó (Aquilaria) được tìm thấy ở các quốc gia như Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Trong đó, trầm hương tại Việt Nam chủ yếu được tạo ra bởi giống cây dó bầu (Aquilaria Crassna) và được nhiều chuyên gia đánh giá là có chất lượng tốt nhất trên thế giới.

Song, cho tới nay tiềm năng ấy vẫn chưa được khai thác và phát huy đúng mức, nước ta vẫn chưa có thương hiệu về trầm hương tương xứng với lợi thế có được. Tỷ lệ xuất khẩu trầm của Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với Indonesia hay Trung Quốc... Dư địa lớn, chúng tôi quyết định khởi nghiệp với trầm.

- Triết lý kinh doanh của doanh nghiệp là gì?

- Trầm hương Chiên Đàn được thành lập mong muốn mang đến những sản phẩm trầm hương tự nhiên và sinh học tốt nhất của Việt Nam cho khách hàng toàn cầu. Chúng tôi luôn tâm niệm chất lượng và sự đổi mới là những người bạn đồng hành quan trọng nhất. Bên cạnh đó, lan tỏa những giá trị bền vững của trầm hương trong văn hóa tâm linh kết hợp với việc mang lại lợi ích cho cuộc sống an lành và khỏe mạnh của mọi người là mục tiêu phát triển hàng đầu của chúng tôi.

Với những tiêu chí trên, công ty luôn đề cao nguồn lực kỹ thuật, đảm bảo quy trình sản xuất thành phẩm và kiểm soát chặt chẽ chất lượng. Song song, chúng tôi chủ động học hỏi các kỹ thuật, công nghệ khoa học mới để bổ sung cho công nghệ tạo trầm hương vi sinh hiện tại, hướng đến tạo ra các sản phẩm trầm chất lượng, an toàn và ứng dụng linh hoạt trong cuộc sống.

Hành trình xây dựng thương hiệu trầm hương Chiên Đàn
 
 

Ông Trịnh Quý Trọng kiểm tra quá trình tạo trầm từ cây dó bầu đã cấy men vi sinh đợt 2. Video: Trần Hoá

- Ông chia sẻ thêm về kế hoạch tương lai của công ty?

- Chúng tôi đang làm việc với các công ty, tập đoàn kinh doanh trầm, hương, dược liệu lớn trên thế giới để tìm hướng hợp tác bền vững, lâu dài cho các sản phẩm của công ty. Có thể theo hướng cùng hợp tác cấy tạo men vi sinh cho các vườn cây dó bầu lâu năm tại Việt Nam chờ ngày thu hoạch, hoặc công ty sẽ tự thu hoạch, chế tác thành phẩm và bán lại cho các đối tác có nhu cầu.

Nguyễn Phượng

Bạn đang đọc bài viết "'Thị trường trầm hương còn nhiều dư địa'" tại chuyên mục KINH TẾ. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email info.vstarmedia2018@gmail.com